A(gri)puncture là một thử nghiệm về việc tái định nghĩa đô thị, nông thôn sản xuất (productive city, productive countryside).
A(gri)puncture
KTS Mai Hưng Trung – chủ nhân đồ án đạt giải Europan 15 – A(gri)puncture: Từ cụm Làng tới đô thị sản xuất
Khái niệm này không chỉ còn giới hạn trong những chỉ số kinh tế, khả năng sản sinh vật chất, của cải hữu hình,… Nó còn là những giá trị cộng đồng, sinh thái, tính luân chuyển, co giãn, cách thức vận hành, tái vận hành những khoảng đặc lỗi thời và những khoảng rỗng bị lãng quên.
Đồ án A(gri)puncture của KTS Mai Hưng Trung lấy bối cảnh ở nông thôn miền Bắc nước Pháp, Pays de Dreux là một cụm làng cách Paris 70 cây số về phía Tây. Ngoài hoạt động chủ yếu là nông nghiệp đang có xu hướng đi xuống, cụm làng còn đặc trưng bởi những khu công nghiệp cơ khí và y dược phẩm lỗi thời. Cũng như những vùng nông thôn khác của Pháp và Châu Âu nói chung, Dreux phải đối mặt với suy giảm mật độ dân cư,dân số già, thất nghiệp, sự bỏ rơi của chính quyền, sự thờ ơ của doanh nghiệp và sự trỗi dậy của phong trào dân túy.
Mong muốn khôi phục lại hoạt động sản xuất, hấp dẫn hơn với doanh nghiệp; Rút ngắn khoảng cách xã hội, mức sống giữa nông thôn và đô thị, đồ án chọn cách tiếp cận tái cơ cấu lại những khu công nghiệp đã tồn tại song song với việc áp dụng “châm cứu nông nghiệp”. Dọc theo xương sống là trục giao thông chính (A154) nối giữa Dreux và Paris cũng như tại ranh giới giữa các cụm dân cư và khu công nghiệp (ZAE), trục giao thông và hệ sinh thái bản địa. Mạng lưới này sẽ tạo ra một hiệu ứng cộng hưởng trên phạm vi toàn cụm làng.
Đồ án thiết lập một “bảng tuần hoàn” các chiến lược đô thị (urban tactics). 3 ngôi làng sở hữu 3 khu công nghiệp với thuộc tính địa lý, xã hội, kinh tế khác nhau. các chiến lược vì thế sẽ được chọn lựa và lắp ráp để thích ứng.
Khai thác những “không gian bỏ ngỏ” – Ranh giới giữa khu công nghiệp và hạ tầng giao thông
Sử dụng thảm ngăn cách giữa khu công nghiệp và trục giao thông như những khu chăn thả du mục, công viên nông nghiệp kết hợp cùng các xưởng bán sỉ và lẻ sản phẩm địa phương nằm trong chuỗi phân phối và tiêu thụ trực tiếp không qua trung chuyển. Hình thức này không chỉ đem lại giá trị tích cực về kinh tế mà còn giảm thiểu chi phí vận chuyển, nhiên liệu và phát thải. Tuyến đường cao tốc được tích hợp một làn đường xe đạp nối giữa các làng với nhau. Đồng thời cũng là bước đệm giữa hạ tầng và vùng sản xuất.
Tái kết cấu không gian rỗng
ZAE (economic activity zone) đặc trưng bởi những khu nhà xưởng, hậu cần đơn chức năng và khoảng trống giữa chúng. Một không gian cảnh quan rộng lớn, rời rạc và ảm đạm. Đồ án đề xuất một mô hình cụm xí nghiệp, văn phòng mới ở tỉ lệ trung và nhỏ với hình thái kiến trúc linh động. Các cấu kiện theo module cho phép cụm xí nghiệp có thể giãn nở, thay đổi thuộc tính, công năng, lắp đặt, tháo gỡ và tái sử dụng dễ dàng.
Những bến bãi khối tích lớn và phân rã được thay thế bởi những cụm xí nghiệp (villa d’entreprise) tập trung nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất. Tầng trệt bỏ ngỏ cho phép một tuyến cảnh quan đan xuyên qua những cụm xí nghiệp với nhà máy và công viên nông nghiệp.
Danh nghĩa của không gian này cũng sẽ được thay đổi theo thời gian, giao động giữa công cộng và tư nhân như một hình thức đánh đổi, thỏa hiệp về quyền chuyển đổi đất nông nghiệp giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Giao thoa giữa kết cấu làng xã và khu công nghiệp
Ranh giới này đã được định hình từ lâu và được chấp nhận như một điều hiển nhiên. Khuôn viên thuộc sở hữu của các nhà máy luôn kín cổng cao tường. Những thủ phủ công nghiệp hoàn toàn biệt lập, quay lưng với cấu tạo đô thị địa phương. Công viên nông nghiệp cùng các hoạt động cộng đồng, tái tạo được đưa vào tại nơi tiếp giáp giữa khu dân cư và khu công nghiệp; Giúp xóa nhòa ranh giới này và dung hòa sản xuất vào như một phần của đời sống.
Những khoảng trống được lấp đầy bởi hoạt động cộng đồng chuyển hóa thành không gian sản xuất. Chúng tạo ra những tương tác xã hội và gắn kết cộng đồng. Hình thức “nông nghiệp du kích” được áp dụng vào những khoảng diện tích nhỏ và không chính thống (informal space).
Thay thế sự đối kháng giữa nông thôn và thành thị, đồ án thiết lập lại sự tương tác, mối quan hệ cộng sinh giữa chúng. Kết nối trực tiếp với Paris bằng quốc lộ A154, Dreux sẽ đóng vai trò vùng cung ứng lương thực, trang thiết bị y tế cũng như là phần mở rộng về lưu lượng trong trường hợp khẩn cấp.
Với khả năng chuyển biến linh hoạt, những cụm xí nghiệp có thể chuyển thể tạm thời thành những bệnh viện dã chiến. Các nhà máy có thể co giãn để thay đổi công năng và quy trình. Đưa sản xuất chế tạo trở lại địa phương nhằm đảm bảo sự tự chủ trong chuỗi cung ứng. Hiệu ứng cộng hưởng từ A(gri)puncture sẽ góp phần tái định nghĩa nông thôn, xóa bỏ định kiến về một sân sau bị lãng quên. Thay vào đó, nông thôn sẽ là một phương án dự phòng cho đô thị trong bối cảnh hậu toàn cầu hóa.